Khi nào bạn nên nhổ răng sữa cho bé?
Khi răng vĩnh viễn bắt đầu mọc, răng sữa sẽ lung lay và có xu hướng rụng đi. Thậm chí, bạn có thể nhổ răng sữa cho bé một cách dễ dàng mà không cần đến nha sĩ. Hầu hết trẻ em sẽ trải qua quá trình rụng răng sữa theo thứ tự như sau:
- Thông thường, răng sữa của bé sẽ bị rụng lần đầu tiên vào khoảng 6 tuổi khi răng cửa (các răng giữa phía trước) bị lung lay.
- Răng hàm ở phía sau thường bị rụng trong độ tuổi từ 10 đến 12 và được thay thế bằng răng vĩnh viễn khi trẻ 13 tuổi.
Một số trẻ có thể tự dùng lưỡi hoặc ngón tay để làm lung lay và nhổ răng sữa. Bên cạnh đó, nhiều trẻ vẫn cần có sự giúp đỡ của ba mẹ. Tuy nhiên, bạn hãy lưu ý đến những dấu hiệu sau để chắc chắn rằng răng sữa của bé đã sẵn sàng rụng đi:
- Bạn chỉ nên nhổ răng sữa cho bé từ 6 tuổi trở lên.
- Bạn chỉ nên nhổ răng sữa cho trẻ khi nhận thấy răng sữa của con rất lỏng lẻo, chỉ cần xoay nhẹ là có thể nhổ được.
- Răng sữa lung lay một cách tự nhiên, không phải do tai nạn, sâu răng hoặc các bệnh răng miệng ở trẻ thì bạn có thể nhổ răng cho con.
Lưu ý quan trọng:
Trẻ dưới 5 tuổi không nên nhổ răng sữa trừ trường hợp do tai nạn hoặc mắc bệnh về răng miệng. Bởi vì răng sữa rụng sớm sẽ khiến răng vĩnh viễn mọc lệch do phần nướu răng giới hạn. Từ đó gây mất thẩm mỹ cho răng của bé khi trưởng thành.
Cách nhổ răng sữa cho bé tại nhà
Răng sữa thường rất dễ rụng. Vì vậy, nếu trẻ đã đến tuổi thay răng và răng sữa cũng đã bị lung lay nhiều thì ba mẹ có thể trực tiếp nhổ răng sữa cho bé tại nhà theo những bước sau:
- Bước 1: Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và lau khô.
- Bước 2: Bạn dùng tay lắc lư răng của bé một cách nhẹ nhàng hoặc có thể khuyến khích con tự làm để trẻ ít lo sợ. Điều này giúp bạn xác định được răng đã lung lay và có thể nhổ được hay chưa.
- Bước 3: Nếu răng sữa đã lung lay nhiều, bạn dùng một miếng gạc sạch giữ thân răng, sau đó dùng lực tác động nhẹ nhưng dứt khoát và nhanh chóng kéo răng ra ngoài.
- Bước 4: Dùng một miếng gạc sạch khác đè lên vùng nướu mà bạn vừa nhổ răng sữa cho bé để cầm máu. Trong hầu hết trường hợp máu sẽ ngừng chảy trong vài phút.
- Bước 5: Cho con đi súc miệng. Kiểm tra vị trí nhổ răng lần nữa để chắc chắn không có phần nào của răng còn sót lại.
Những lưu ý khi nhổ răng sữa cho bé để đảm bảo an toàn
- Không nên buộc chỉ vào răng của bé để kéo ra vì đây không phải là cách nhổ răng an toàn.
- Không nên vặn xoay răng quá lâu khi nhổ răng sữa cho bé. Nếu bạn vặn răng nhiều lần nhưng vẫn không nhổ được chứng tỏ răng chưa sẵn sàng để rụng đi.
- Nếu việc nhổ răng tại nhà khiến con bạn bị đau hay chảy máu nhiều thì nên dừng lại và đưa trẻ đến nha sĩ để được xử lý đúng cách.
Khi nào bạn nên đưa bé đến nha sĩ để nhổ răng sữa?
Ba mẹ chỉ nên nhổ răng sữa cho bé tại nhà khi răng sữa của trẻ hoàn toàn khỏe mạnh và lung lay một cách tự nhiên để đáp ứng quá trình thay răng. Trong trường hợp gặp phải một số vấn đề sau thì ba mẹ nên đưa con đến nha sĩ để răng sữa được loại bỏ một cách an toàn:
- Răng sữa của trẻ bị lung lay do tai nạn, chấn thương hoặc trẻ bị sâu răng, viêm nướu… lâu ngày khiến bé đau răng.
- Răng vĩnh viễn bắt đầu nhú lên nhưng răng sữa lại không có dấu hiệu lung lay hoặc chỉ lung lay nhẹ. Trường hợp này bạn không nên tự ý nhổ răng của con tại nhà để tránh nguy hiểm và khiến trẻ ám ảnh với việc nhổ răng.
- Sau khi nhổ răng cho con tại nhà và vị trí nướu nơi răng bị nhổ có dấu hiệu nhiễm trùng như sưng đỏ, chảy máu, gây đau đớn cho trẻ… thì bạn mẹ nên đưa con đi nha sĩ ngay lập tức để điều trị.
Việc nhổ răng sữa cho bé tại nhà không gây nguy hiểm. Thế nhưng, nếu bạn không tự tin khi thực hiện thì nên đưa con đến bệnh viện hoặc phòng khám để nha sĩ xử lý. Đồng thời, để giúp con duy trì sức khỏe răng miệng lâu dài thì bạn nên dạy bé đánh răng và dùng chỉ nha khoa đúng cách, kết hợp với việc đi nha sĩ 2 lần/mỗi năm để trẻ được thăm khám định kỳ nhé!
Bố mẹ nên chăm sóc bé như thế nào sau khi vừa nhổ răng?
Theo lời khuyên của nha sĩ, bạn nên hạn chế để bé hoạt động gắng sức trong vòng hai giờ đầu và không được cho bé tập thể dục mạnh ít nhất 24 giờ sau khi nhổ răng.
Bạn hãy đặt một miếng bông hoặc gạc vô trùng lên ổ răng vừa bị nhổ và bảo con bạn cắn nhẹ vào gạc. Bé sẽ chảy máu một chút sau khi nhổ răng, vậy nên hãy bảo bé cắn miếng gạc ít nhất 45 phút, đồng thời nuốt nước bọt. Thay miếng gạc mới nếu vẫn còn rỉ máu hoặc bỏ miếng gạc đi nếu máu ngừng.
Hãy cho bé uống thuốc giảm đau mà nha sĩ đã kê toa trước đó. Trong những thuốc này có acetaminophen và ibuprofen giúp giảm đau và kháng viêm. Bạn cũng nên áp túi chườm đá vào bên mặt bé bị nhổ răng vì có thể giúp bé giảm sưng.
Không nên cho bé súc miệng mạnh hoặc nhai thức ăn cứng trong vòng 24 giờ sau khi nhổ răng và không cho bé uống bất cứ đồ uống nóng nào sau khi nhổ răng xong.
Theo nha sĩ, bạn nên cho bé súc miệng nhẹ nhàng bằng nước muối ấm. Sau đó tiếp tục đánh răng thật nhẹ nhàng nhưng cũng tránh để lông bàn chải chạm đến chỗ vừa nhổ.
Bạn có thể cho bé ăn thức ăn mềm như rau câu, sữa chua hoặc bánh pudding vào ngày bé nhổ răng, bé cũng có thể ăn kem được. Vào ngày thứ hai sau khi nhổ, bé có thể ăn những loại khác như trứng tráng, nhưng đừng cho bé ăn những thức ăn cứng vì có thể bé sẽ không nhai dễ dàng được.